Nghiệm thu đề tài ''Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng''
(LĐ online) - Chiều 8/12, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học.
Các mô hình rau, quả an toàn được trồng đúng kỹ thuật quyết định chất lượng của chuỗi giá trị |
Đề tài đặt mục tiêu áp dụng thành công nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng có thế mạnh của tỉnh; hình thành chuỗi sản phẩm, nâng cao khả năng tiêu thụ rau, củ, quả an toàn, nâng cao uy tín thương hiệu nông sản của Lâm Đồng; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tổ chức chủ trì nắm bắt và làm chủ được các quy trình VietGAP, nắm vững được cách thức vận hành, sử dụng các ứng dụng công nghệ, thiết bị máy móc trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm theo HACCP…
Sau hơn 4 năm thực hiện, nhóm các nhà nghiên cứu do kỹ sư Nguyễn Phúc Tín (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng) chủ nhiệm đề tài đã tiến hành chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng các loại rau: cải bắp, súp lơ xanh, bó xôi, đậu hòa lan, cải thảo, cà chua, ớt ngọt, dâu tây, xà lách thủy canh. Đào tạo, tập huấn và cùng làm việc với nông dân trên đồng ruộng, áp dụng trong thực tế theo quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất công nghệ cao.
Các mô hình rau, quả an toàn được trồng đúng kỹ thuật quyết định chất lượng của chuỗi giá trị |
Dự án đã xây dựng 11 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả an toàn tại 3 xã: Đạ Sar, xã Lát (Lạc Dương), N’Thôn Hạ (Đức Trọng) là những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc điểm sinh thái của loài cây trồng, có đa số là người đồng bào dân tộc để làm địa điểm thực hiện mô hình. Cụ thể đã xây dựng: 2 mô hình cà chua 2.000m2/mô hình; 2 mô hình ớt ngọt 2.000m2/mô hình; 1 mô hình xà lách thủy canh 1.000m2; 1 mô hình dâu tây 2.000m2; 1 mô hình đậu Hà Lan 2.000m2; 1 mô hình cải bắp 2.000m2; 1 mô hình cải thảo 2.000m2; 1 mô hình bó xôi 2.000m2; 1 mô hình lơ xanh 2.000m2.
Các hộ tham gia mô hình đều áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa trong sản xuất như nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, trồng rau thủy canh. Năng suất rau, quả tăng đáng kể, trong đó 5/11 mô hình đã ứng dụng tốt quy trình công nghệ vào thực tiễn sản xuất với năng suất vượt dự kiến của dự án; cá biệt, có hộ thực hiện mô hình vượt 63,64% so với năng suất dự kiến; 2/11 mô hình chưa đạt năng suất so với dự kiến. Chất lượng nông sản đồng đều đảm bảo an toàn thực phẩm; giá bán rau, quả ổn định và cao hơn 25 - 30% so với sản xuất thông thường. Các mô hình là nơi tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh đã ký hợp đồng liên kết với các hộ xây dựng mô hình và thu mua sản phẩm cho các hộ để tiêu thụ tại các siêu thị trên toàn quốc.
Các mô hình rau, quả an toàn được trồng đúng kỹ thuật quyết định chất lượng của chuỗi giá trị |
Dự án đã hỗ trợ chứng nhận 16 giấy chứng nhận VietGAP cho Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh và 24 hộ liên kết, hỗ trợ 11 mô hình đều được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích chứng nhận 23,68 ha, sản lượng 2.368 tấn. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn cho Công ty này đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, máy móc, thiết bị và thực hiện theo các nguyên tắc HACCP; hỗ trợ kinh phí phân tích, kiểm nghiệm mẫu rau, củ quả thành phẩm; hỗ trợ chi phí đánh giá, cấp giấy chứng nhận HACCP; hỗ trợ 05 bộ test nhanh để kiểm soát nguyên liệu đầu vào đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi sơ chế, đóng gói. Đến nay, Công ty Thảo Nguyên Xanh đã được đánh giá và cấp chứng nhận HACCP.
Hỗ trợ áp dụng hệ thống phần mềm quản lý hoạt động sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, Công ty này đã khởi tạo và sử dụng thành thạo phần mềm truy xuất nguồn gốc và quản lý kênh phân phối. Tất cả các sản phẩm đều được dán tem in mã QR code trước khi lưu thông trên thị trường. Khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc thông qua điện thoại di động, Ipad… và có thể biết ngay nguồn gốc sản phẩm, địa điểm sản xuất, thời gian sản xuất, thu hoạch sản phẩm. Hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản qua các hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh.
Hội đồng khoa học đã đánh giá cao kết quả đạt được, giá trị thực tiễn của dự án |
Những năm qua, chuỗi liên kết sản xuất nông sản trên địa bàn Lâm Đồng không ngừng tăng lên, năm 2016 toàn tỉnh có 29 chuỗi, đến nay toàn tỉnh đã có 190 chuỗi liên kết với 18.631 hộ liên kết. Trong đó, quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 30.517,65 ha, sản lượng 437.226 tấn; trong chăn nuôi đạt 850.717 con bao gồm heo, bò gà, cút, tằm đạt sản lượng 126.560 tấn. Dự án đã góp phần vào xây dựng, vận hành các chuỗi liên kết trong sản xuất - sơ chế - chế biến - tiêu thụ nông sản, giúp người dân, doanh nghiệp đảm bảo được tính bền vững trước các yếu tố rủi ro về thị trường. Từ đó nâng cao kiến thức hiểu biết và thực hành về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn thực phẩm rau, củ, quả theo chuỗi cho người dân; nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc rõ; tạo việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân cao; tiếp cận công nghệ kỹ thuật mới; giúp vùng đồng bào dân tộc, vùng miền núi có mô hình hoàn chỉnh để học tập và ứng dụng.
Hội đồng khoa học đã đánh giá cao tinh thần làm việc khoa học của các nhà nghiên cứu cùng kết quả đạt được và giá trị thực tiễn của dự án.
QUỲNH UYỂN