Xây dựng mô hình nuôi tằm thương phẩm bền vững tại Lâm Đồng

06.01.2023 14:5762 đã xem

Có thể nói, ngành dâu tằm tơ đã góp phần giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, xây dựng kinh tế gia đình vững mạnh. Hiện nay, với giá kén tằm đang ở mức cao giao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Người trồng dâu nuôi tằm có thu nhập ổn định, vì vậy việc mở rộng quy mô cũng như xây dựng mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để việc trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững là việc làm rất cần thiết.

Trong năm 2022, từ nguồn vốn Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng dự án nuôi tằm thương phẩm bền vững tại Lâm Đồng với mục tiêu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu trồng thâm canh dâu, nuôi tằm thương phẩm lấy kén, từng bước nâng cao năng lực và thu nhập của các nông hộ trồng dâu nuôi tằm, góp phần tạo nền tảng phát triển ổn định ngành dâu tằm tơ tại Lâm Đồng.

Dự án được triển khai tại xã Đam B’ri, xã Đại Lào của thành phố Bảo Lộc và xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm với quy mô thực hiện 20,5 ha. Tham gia mô hình, các nông hộ được hỗ trợ giống dâu, giống tằm con và vật tư nuôi tằm, phân bón, đồng thời được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật về trồng thâm canh dâu và nuôi tằm.

Sau thời gian triển khai, dự án đã cho một số kết quả đáng khả quan: Tằm con phát triển tốt và cho năng suất đạt so với yêu cầu dự án đề ra. Với tỷ lệ sống trung bình 94,1%, năng suất kén/ổ trung bình 501 (gram), tiêu tốn lá dâu cho 1 kg kén tằm trung bình 12,1 kg lá dâu, chiều dài tơ đơn trung bình 848 (m). Hiện tại, các nông hộ tiếp tục áp dụng kỹ thuật được chuyển giao vào để chăn nuôi tằm tại nông hộ. Giá kén cao trong thời gian triển khai (giao động từ 200 - 210 ngàn đồng/kg) đã góp phần tăng thu nhập cho người nuôi tằm..

Năng suất lá dâu sau khi thâm canh đã có sự thay đổi rõ rệt, tại thời điểm mới triển khai dự án năng suất lá dâu trung bình 3.667 kg/ha/lần hái (với 6 lứa hái/năm thì năng suất đạt 22.000 kg/ha). Sau thời gian triển khai, áp dụng biện pháp thâm canh, năng suất lá dâu trung bình 4.554 kg/ha/lần hái. Tính trung bình 6 lứa hái/năm thì năng suất lá dâu khi thực hiện mô hình là 27.324 kg/ha.

Do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi tằm như sử dụng sàn nuôi, né đôi nên công chăm sóc và bệnh tằm đã giảm nhiều so với trước đây. Kén tằm tăng năng suất trung bình 8,3%, tăng chất lượng kén tằm từ đó tăng hiệu quả kinh tế trung bình 11,4% trong trồng dâu nuôi tằm cho bà con nông dân so với sản xuất đại trà. Với những kết quả mà dự án mang lại, thông qua công tác tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình, các nông hộ chăn nuôi tằm trong vùng đã có cơ hội tiếp cận và nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới. Đến nay, một số hộ dân trong vùng triển khai dự án đã áp dụng làm theo.

Việc tăng năng suất và hiệu quả kinh tế đã góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi tằm, tạo an sinh xã hội bền vững, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. Đời sống của người dân ngày được nâng cao. Các hoạt động của dự án như tập huấn, tham quan hội thảo, tài liệu phát tay sẽ có tác động lớn, làm thay đổi nhận thức của người trồng dâu nuôi tằm trong việc áp dụng kỹ thuật mới trồng dâu nuôi tằm tại địa phương. Nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ phát triển bền vững ngành trồng dâu nuôi tằm.

Văn Đắc - TTKN Lâm Đồng